Mục đích của tập võ tự vệ là học cách giữ an toàn cho bản thân trong các tình huống nguy hiểm, vì vậy việc giữ an toàn xuyên suốt quá trình luyện tập là một điều cần thiết hiển nhiên. Mặc dù việc tập luyện luôn hướng đến mô phỏng các tình huống có thể xảy ra trong đời thực, một cách càng giống càng tốt, hãy luôn ghi nhớ rằng chúng ta không cần làm bị thương bạn tập hay để bản thân chịu thương tổn để có thể học được cách thức tự vệ.
Một số nguyên tắc sau đây sẽ giúp bạn giảm thiểu chấn thương trong khi luyện tập các kỹ thuật tự vệ. Hãy luôn tuân thủ và chỉ đấu tập với người cũng biết tuân thủ các nguyên tắc giống như bạn.
ĐẬP TAY RA HIỆU KHI MUỐN NGỪNG
Đập tay ra hiệu là một cách tốt để báo với bạn tập rằng bạn muốn “ngừng”. Mặc dù điều này nghe có vẻ đơn giản, nhưng cần được luyện tập thành thói quen để có thể sử dụng như một phản xạ trong lúc cấp bách và mất bình tĩnh. Đồng thời người tập cùng cũng luôn ghi nhớ, hiểu và lập tức tuân thủ tín hiệu báo “ngừng” này. Cách đập tay ra hiệu càng có ý nghĩa hơn trong trường hợp bạn không thể dùng lời nói để biểu đạt điều mình muốn, chẳng hạn khi đang luyện tập một đòn siết cổ trong các bộ môn vật.
Có 3 cách đập tay ra hiệu thường gặp trong đấu tập được sử dụng rộng rãi trong hầu hết các môn võ tự vệ, là (1) đập tay xuống nền, (2) đập tay lên người mình và (3) đập tay lên người bạn tập.
Dù chọn cách nào, hãy chắc chắn là nó được thống nhất trước giữa bạn và người đấu tập với bạn. Cả hai cần hiểu khi tín hiệu đập tay được đưa ra, thì phải ngưng đòn ngay lập tức vì người chịu đòn đang bị đau, và việc ra đòn đó có thể đang được thực hiện không đúng kỹ thuật. Sẽ thật nguy hiểm nếu người tập phớt lờ hay muốn đùa giỡn với nguyên tắc này. Kể cả khi bạn đau và muốn ráng chịu để xem thử ngưỡng đau của mình, hãy nhớ rằng điều này không giúp bạn học thêm được điều gì, mà ngược lại có thể dẫn đến chấn thương không cần thiết.
TÉ NGÃ ĐÚNG KỸ THUẬT
Kỹ thuật té ngã từ môn Judo là một kỹ năng mà mỗi người cần thành thục để tự bảo vệ mình. Không chỉ trong các trận đấu võ thuật, mà với bất kỳ tình huống té ngã nào trong cuộc sống hàng ngày, việc có thể đáp xuống đất ở một tư thế giúp giảm chấn thương xuống mức tối thiểu cũng đều cần thiết. Sau đây là một số lưu ý để có thể “té đúng cách”.
(1) Không được chống bàn tay và chống thẳng cánh tay xuống đất trong khi té ngã, tránh làm nứt gãy cổ tay và vai
(2) Không chống cùi chỏ trong khi ngã
(3) Giữ đầu không đập xuống nền
Mặc dù các lưu ý trên là vô cùng căn bản, nhưng để áp dụng cùng lúc đồng thời và trở thành phản xạ để có thể ngay lập tức thực hiện trong khi bất ngờ, bạn cần trải qua sự rèn luyện thường xuyên và liên tục. Hãy bắt đầu tập luyện té ngã ở tư thế ngồi, ngã ra sau nhẹ nhàng với cánh tay duỗi thẳng và song song với mặt đất (tránh va đập cổ tay và cùi chỏ), đồng thời rướn đầu về phía trước để giữ cho gáy không chạm mặt thảm. Cần thiết phải có sự kèm cặp của một huấn luyện viên thuần thục để tránh việc tự tập sai kỹ thuật.
TẬP THẬT CHẬM ĐỂ GIỮ AN TOÀN
Khi tập bất kỳ động tác nào, dù là tấn công, phòng thủ hay té ngã, hãy bắt đầu một cách từ từ. Cần ưu tiên tập đúng kỹ thuật trước khi tăng tốc và tăng lực. Giữ cho mình đừng bị thương trong khi tập luyện. Nhớ rõ, bạn tập luyện để tự vệ, không phải để chiến đấu và chiến thắng. An toàn là mục tiêu tối thượng của việc học tự vệ, hãy luôn nhắc nhớ điều này trong khi tập luyện và cả khi đối diện với tình huống trong thực tế.
Đăng ký Lớp Võ Tự vệ tại Fighter MMA Đà Nẵng:
- Thời gian: Tối 3-5-7 từ 19h30 – 21h00
- Huấn luyện viên: Nguyễn Đắc Việt
- Liên hệ: Fanpage Fighter hoặc SĐT: 0913 913 077
Để lại một bình luận